Thời đại Tần Thủy Hoàng Tần_Thủy_Hoàng

Cải cách hành chính

Tần Thủy Hoàng dời hết các vương công quý tộc của sáu nước bị diệt về kinh đô Tần là Hàm Dương để dễ bề khống chế, đất đai của họ đều bị sung công. Để tránh họa chư hầu cát cứ đời nhà Chu, hoàng đế loại bỏ phong đất đặt chư hầu[31] mà triệt để thi hành chế độ quận huyện, chia cả nước thành 36 quận (郡) (sau đó tăng lên 40 quận);[28] quận thú, huyện lệnh do triều đình bổ nhiệm, có thể bị điều động bất cứ lúc nào. Quận là một quân khu lớn, nhất là ở những miền mới chiếm được. Mỗi quận thành nhiều huyện (县), hương (乡) và lý (里),[32] mỗi quận có quận thú coi việc dân và quân uý coi việc quân. Ở trên cùng, có một viên giám ngự sử chỉ chịu trách nhiệm với nhà vua, vì vậy quan lại không thể chuyên quyền, làm chúa ở cõi riêng. Quan lại được Hoàng đế bổ nhiệm dựa theo công trạng thay vì tập tục cha truyền con nối như trước kia.[32] Hệ thống này trái ngược với các đời trước vốn cấu kết lỏng lẻo,[33] người dân cũng không còn được gọi theo tên các nước cũ trước đây nữa (như "người Sở" ám chỉ người đến từ đất cũ của nước Sở)[32][34] mà đều là con dân của Tần.

Nhằm suy giảm quyền lực của tầng lớp quý tộc, ông tịch thu đất đai của họ và phân chia chúng cho nông dân. Người chủ ruộng có quyển bán ruộng và ai cũng có quyền mua. Chế độ đó gọi là danh điền, tạo nên một giới địa chủ có những cơ sở rất lớn, dần dần thành một giai cấp có quyền hành tương tự như các chư hầu nhỏ thời trước. Năm hay mười nhà họp nhau thành một liên gia, chịu chung trách nhiệm với nhau. Chế độ này được áp dụng ở Trung Hoa cho tới đầu đời nhà Hán. Nhằm tạo thuận lợi cho việc thu thuế, triều đình thu thuế trực tiếp từ nông dân mà không cần qua tay tầng lớp quý tộc.[cần dẫn nguồn]

Tuy nhiên, triều đình lại thi hành chính sách cực đoan với các thương nhân, cấm chủ nghĩa trọng thương, đánh thuế rất nặng, và hành quyết họ vì những lỗi nhỏ nhất.[cần dẫn nguồn] Ngoài đày hết phú thương có những xưởng sản xuất sắt về miền Thiểm Tây và miền Tứ Xuyên, triều đình còn đày 20 vạn gia đình phú thương, tiểu thương tới xứ Thục và miền An Dương (phía nam Lạc Dương ngày nay) để bắt làm ruộng.[cần dẫn nguồn]

Cải cách kinh tế và văn tự

Quả cân tiêu chuẩn đời Tần, năm 221 TCN

Trong những năm cầm quyền của mình, Tần Thủy Hoàng và thừa tướng Lý Tư đã thống nhất đơn vị đo lường và tiền tệ trên toàn Trung Hoa. Hoàng đế cũng cho thống nhất chiều dài trục bánh xe để tiện việc vận chuyển đường bộ, xây dựng thêm nhiều hệ thống đường sá, kênh mương kết nối các vùng miền với nhau để người dân được thuận tiện hơn trong việc đi lại.[32][33]

Thời Chiến Quốc, văn tự ở mỗi nước ít nhiều có những sự khác nhau. Quan lại Tần đi cai trị đất đai chư hầu cũ nhiều khi không hiểu được văn tự tại địa phương, khó làm tốt việc. Vì vậy, Tần Thủy Hoàng ra lệnh mọi văn bản trên toàn quốc đều sử dụng một loại văn tự được chuẩn hóa bởi Lý Tư, nhờ đó mà thống nhất được chữ viết trên toàn quốc.[32]

Tư tưởng

Tần Thủy Hoàng tin vào thuyết Ngũ hành, tin rằng nhà Chu trước đó cai trị bởi sức mạnh của Hỏa, đại diện bởi màu đỏ. Vì vậy nhà Tần kế tục lấy hành Thủy (nước) mà cai trị, đại diện là màu đen. Màu đen trở thành màu của y phục, cờ hiệu.[35] Các mối liên quan khác bao gồm phía bắc là hướng hồng y, mùa đông và số sáu.[36]

Trong khi thời kỳ Xuân ThuChiến Quốc chiến tranh xảy ra triền miên, nó cũng được xem như là thời kỳ của tự do tư tưởng.[37] Tuy nhiên, đến thời Tần Thủy Hoàng, hoàng đế ra lệnh cấm hết tất cả các trường phái tư tưởng khác,[37][38] lấy trường phái Pháp gia là tư tưởng chính thống của nhà Tần.[32] Trường phái Pháp gia thời nhà Tần bài trừ chế độ phong kiến cũ ​​và khuyến khích các hình phạt nghiêm khắc, đặc biệt là khi không tuân lệnh hoàng đế. Quyền cá nhân bị gạt đi khi chúng mâu thuẫn với mong muốn của chính quyền, thương nhân và học giả không được coi trọng và thích hợp để loại bỏ.

Năm 213 TCN, quan đại phu[39] Thuần Vu Việt xin vua phong đất lập chư hầu và noi theo lệ của người xưa, nhưng bị thừa tướng Lý Tư phản đối. Lý Tư cũng nhân đó dâng thư đề nghị cấm học theo sách cổ để phê phán những điều hoàng đế làm thời nay. Tần Thủy Hoàng nghe theo, ra lệnh đốt bỏ hết phần lớn các sách đương thời, chỉ giữ lại những cuốn sách bói toán, nông nghiệp, y học, thần thoại, và lịch sử nhà Tần.[40] Việc này cũng phục vụ cho việc thay đổi văn tự bằng cách loại bỏ các văn bản chứa văn tự lỗi thời.[30] Kẻ nào không tuân lệnh mà lén lút giữ sách thì bị phạt nặng. Sử ký Tư Mã Thiên ghi lại, có 460 Nho sĩ bị chôn sống ở Hàm Dương vì sở hữu sách cấm vào năm 212 TCN.[40][41] Công tử Phù Tô đứng ra can ngăn vì sợ thiên hạ không yên,[42] hoàng đế nổi giận sai Phù Tô đi lên miền bắc để giám sát tướng Mông Điềm ở Thượng Quận. Bản sao các sách cấm vẫn được cất giữ trong thư viện của triều đình nhưng hầu hết chúng đều bị phá hủy khi Hạng Vũ đốt cháy cung điện Hàm Dương vào năm 206 TCN.[43]

Âm mưu ám sát thứ ba

Xem thêm: Trương Lương

Năm 230 TCN, Tần tiêu diệt Hàn. Trương Lương là sĩ tộc của Hàn thề trả thù hoàng đế Tần. Năm 218 TCN, Lương bán hết gia sản, thuê sát thủ và cho làm chiếc chùy sắt một trăm hai mươi cân (khoảng 160 lb hoặc 97 kg)[22] lập mưu ám sát Tần Thủy Hoàng. Lương và sát thủ mai phục trong bụi cây dọc theo tuyến đường Thủy Hoàng du ngoạn và khi đoàn xa giá đến gần ném chùy làm vỡ tan chiếc xe đi đầu. Tuy nhiên, Tần Thủy Hoàng khi đó đang ở trong chiếc xe thứ hai, trông giống hệt chiếc xe thứ nhất, nên thoát chết.[44] Hoàng để cho truy lùng khắp thiên hạ nhưng cả hai thích khách đều trốn thoát.[22]

Công trình xây dựng

Trường Thành

Ở phía Bắc, tộc người Hung Nô thường xuyên quấy nhiễu biên giới. Để chống người Hung Nô xâm lấn, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh xây dựng một bức tường phòng thủ rộng lớn.[45][46][47] Bức trường thành này chính là tiền thân của Vạn Lý Trường Thành sau này. Trường Thành được xây dựng bằng cách kết nối nhiều khúc tường thành đã được xây dựng bởi các nước Tần, Triệu, Yên, trải dài hơn 5000 km từ Lâm Thao (nay thuộc tỉnh Cam Túc) ở phía tây đến Liêu Đông (nay ở tây bắc Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh) ở phía đông,[48] tạo nên một mạng lưới những bức tường thành nối các tuyến phòng thủ ở sông tới những vách đá không thể vượt qua.[49][50]

Vận chuyển số lượng lớn vật liệu cần thiết cho công trình khổng lồ này là vô cùng khó khăn, vì vậy những người xây trường thành luôn cố gắng sử dụng tài nguyên ở địa phương. Đá được lấy từ các ngọn núi, trong khi đất nung được sử dụng để xây dựng ở đồng bằng. Không có ghi chép lịch sử nào còn sót lại cho thấy chiều dài và tiến trình chính xác của các bức tường thành thời Tần. Hầu hết các bức tường cổ đã bị xói mòn trong nhiều thế kỷ, và rất ít phần còn tồn tại cho đến ngày nay. Uớc tính có đến hàng trăm ngàn người,[51] thậm chí có thể lên tới một triệu người[52][53] đã chết khi xây trường thành thời nhà Tần.

Kênh Linh Cừ

Bài chi tiết: Linh Cừ

Miền Nam Trung Quốc có một câu nói nổi tiếng "Ở miền Bắc có Trường Thành, ở miền Nam có kênh Linh Cừ" (北有长城,南有灵渠).[54] Năm 214 TCN, Tần Thủy Hoàng cho xây một kênh đào lớn để vận chuyển quân lương, tấn công một số vùng lãnh thổ ở phía nam.[55] Kênh đào dài 34 km này điều chuyển dòng chảy của hệ thống sông ngòi giữa miền bắc và miền nam Trung Hoa, nối sông Tương với Dương TửLi Giang rồi lại chảy vào Châu Giang.[55] Kênh Linh Cừ nối hai tuyến đường thủy chính của Trung Quốc, giúp nhà Tần mở rộng cương vực xuống miền Tây Nam, được đánh giá là một trong ba công trình kỹ thuật lớn của Trung Quốc cổ đại, bên cạnh Vạn Lý Trường ThànhĐô Giang Yển của Tứ Xuyên.[55]

Cung điện

Xem thêm: Cung A Phòng
Bức họa cung A Phòng của họa sĩ Viên Diệu thời nhà Thanh.

Một trong những công trình lớn mà Tần Thủy Hoàng cho xây dựng là cung A Phòng nằm ở phía nam sông Vị.[56] Ước tính triều đình đã phải dùng tới hơn 70 vạn người để xây dựng cung A Phòng và lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, riêng phần tiền sảnh của cung A Phòng rộng tới mức chiều từ Đông sang Tây dài 500 bộ (hơn 800m), chiều từ Nam sang Bắc dài 50 trượng (hơn 150m), có thể ngồi được một vạn người, phía trước có thể dựng được cột cờ 5 trượng (hơn 15m). Ngay từ khi xây dựng, cung A Phòng đã là một công trình gây tranh cãi, làm hao tiền, tốn của, kiệt quệ sức dân và mang tới cho vị hoàng đế không ít lửa hận thù từ muôn dân trăm họ.

Không chỉ vậy, Tần Thủy Hoàng còn xây thêm khoảng hơn 200 cung điện xung quanh kinh đô.[cần dẫn nguồn] Bao nhiêu châu báu, nhạc công và vũ nữ của lục quốc, ông gom cả về để làm vui tai vui mắt. Tương truyền rằng, vào cuối thời nhà Tần, kinh đô Hàm Dương bị chiếm và cung điện nhà Tần bị đốt cháy, lửa cháy ba tháng chưa tắt.[5]

Khi chiếm được kinh đô một nước chư hầu, Tần Thủy Hoàng sai người vẽ kiểu cung điện của nước đó để về xây dựng lại y hệt tại Hàm Dương, ở bên cung điện của ông, thành một dãy dài cả mấy dặm. Bao nhiêu đồng và vũ khí trong thiên hạ gom cả về để đúc 12 pho tượng, mỗi tượng nặng 24.000 cân bày trong cung.[cần dẫn nguồn] Ngoài ra, Tần Thủy Hoàng cũng bị ám ảnh bởi việc ám sát. Ông có những chuyến đi bí mật khắp bên trong cung điện rộng lớn của mình và ngủ ở những cung điện khác nhau mỗi đêm.[cần dẫn nguồn]

Bảo vệ và mở mang lãnh thổ

Lãnh thổ của nhà Tần

Mới hoàn thành sự nghiệp thống nhất Trung Hoa chưa lâu, Tần Thủy Hoàng đã nghĩ đến việc mở mang bờ cõi.

Các bộ tộc du mục ở phương bắc gọi chung là Hung Nô vẫn là mối lo từ đời nhà Thương, Chu. Họ thường xâm lấn biên giới, có chỗ sống lẫn lộn với người Trung Hoa. Đầu đời Tần họ đã len lỏi vào Hà Nam, Tần Thủy Hoàng quyết chặn lại, phong Mông Điềm làm chánh tướng cầm quân, cùng với con Vương BíVương Ly (王離) làm phó tướng, đưa quân đánh dẹp và trấn thủ biên giới phía bắc.

Trong thời gian hơn một năm, Mông Điềm đã chỉ huy quân Tần đánh lui quân Hung Nô ở phía bắc, giành được thắng lợi. Tần Thủy Hoàng cho xây thành dọc theo sông Hoàng Hà làm biên giới. Tần Thủy Hoàng tiếp tục ra lệnh cho Mông Điềm vượt sông Hoàng Hà lấy đất Cao Khuyết, Đào Sơn, Bắc Giả, xây đình và thành lũy ở đấy để đuổi người Nhung và đưa những người bị đày đến đấy để ở và lần đầu những nơi này trở thành huyện của nhà Tần. Trong quá trình chinh phạt, Mông Điềm cũng chú trọng khai phá vùng biên ải, lấy các vùng đất mới làm thành "Tân Tần Địa", chia thành 44 huyện, cắt đặt quan lại.

Năm 214 TCN, Tần Thủy Hoàng để lại 10 vạn quân ở phía bắc và đưa hơn 50 vạn quân xuống phía nam để chinh phục lãnh thổ của các bộ lạc phía nam. Quân Tần không quen thuộc với địa hình rừng rậm, bị đánh bại bởi chiến thuật đánh du kích của các bộ lạc phía nam, mất hơn 10 vạn quân. Tuy thua trận ở những chiến dịch đầu tiên, quân Tần đã thành công trong việc xây dựng hệ thống kênh đào, giúp vận chuyển rất nhiều quân lương để củng cố đội quân trong cuộc tấn công thứ hai vào miền nam. Sau đó, quân Tần chinh phục thành công các vùng đất thuộc các tỉnh Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam ngày nay, và một phần vùng đất hiện nay thuộc miền bắc Việt Nam. Sau những chiến thắng ở miền Nam, Tần Thủy Hoàng đã cho di chuyển hơn 10 vạn tù nhân và những người bị đi đày đến các khu vực mới này nhằm thuộc địa hóa chúng.[57]

Trong mắt dân chúng

Nhìn chung, mặc dù đạt được những thành tựu lớn, Tần Thủy Hoàng thời đó bị nhiều người căm hận. Những quý tộc bị tước hết quyền lợi, đối xử cay đắng căm hận ông. Những trí thức chống đối tư tưởng của ông căm ghét ông. Ông còn bị căm hận vì là một kẻ chinh phục và đánh thuế nặng nề, đặt ra nhiều luật lệ hà khắc, ép nhiều dân thường lao động đến chết để xây dựng những đại dự án của ông.[cần dẫn nguồn]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tần_Thủy_Hoàng //nla.gov.au/anbd.aut-an36592738 http://ent.sina.com.cn/r/m/2003-11-10/0821230366.h... http://news.sina.com.cn/c/2005-07-26/15497329339.s... http://www.blockbuster.com/browse/catalog/movieDet... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/540412 http://big5.cctv.com/news/ttxw/20011225/100002.htm... http://www.chinawikipedia.com/chinahistory.html http://www.digitaltrends.com/gaming/civ-vi-china-p... http://documentarystorm.com/history-archaeology/th... http://www.filmsufi.com/2009/10/hero-zhang-yimou-2...